Tin nóng:
NHÀ VƯỜN XUÂN KHƯƠNG CHUYÊN NHẬP KHẨU VÀ SẢN XUẤT CÁC GIỐNG CÂY MỚI, ĐỘC LẠ HIỆU QUẢ KINH TẾ CAO. CHÚNG TÔI CAM KẾT BẢO HÀNH TOÀN BỘ CÂY GIỐNG CỦA CHÚNG TÔI. VỚI PHƯƠNG CHÂM LÀM VIỆC UY TÍN - NĂNG XUẤT - CHẤT LƯỢNG. RẤT MONG ĐƯỢC PHỤC VỤ QUÝ KHÁCH HÀNG !

Thứ năm, 31/10/2024

Quy trình sản xuất vải thiều Thanh Hà theo VietGAP

 

 

I. YÊU CẦU SINH THÁI

1. Yêu cầu về nhiệt độ
Nhiệt độ là nhân tố chủ yếu tác động đến sinh trưởng dinh dưỡng và sinh trưởng sinh thực của cây vải. Cây vải sinh trưởng tốt ở những vùng có nhiệt độ bình quân năm từ 21 – 250C. Giống chín muộn ở 00C và giống chín sớm ở 40C thì ngừng sinh trưởng dinh dưỡng. Khi nhiệt độ từ 8 – 100C thì khôi phục sinh trưởng, 10 – 120C sinh trưởng chậm, 210C trở lên sinh trưởng tốt, 23 – 260C sinh trưởng mạnh nhất.
Thể nguyên thuỷ của hoa vải là mầm hỗn hợp, có hoa, có lá. Nhiệt độ cao ức chế sự hình thành các cơ quan hoa mà thiên về sinh trưởng dinh dưỡng, thúc đẩy sự phát triển của lá. Trái lại, nhiệt độ thấp thúc đẩy sự phân hoá cành hoa nhỏ và cơ quan hoa, ức chế sự phát dục thể nguyên thuỷ của lá, thiên hướng về sinh thực.
Quá trình phân hoá mầm hoa vải liên quan chặt chẽ tới nhiệt độ, nhiệt độ từ 0 – 100C thuận lợi cho chùm hoa phân nhánh và phân hoá mầm hoa. Ở 11 – 140C cành hoa và lá đều có thể phát triển thành các chùm hoa có giá trị kinh tế, ở 18 – 190C trở xuống vẫn có thể hình thành chùm hoa nhỏ, nhiều lá nhưng không có giá trị về kinh tế.
Nhiệt độ còn ảnh hưởng tới tỷ lệ đực cái của hoa vải. Quan hệ giữa nhiệt độ bình quân ngày của tháng 1 – 2 và tỷ lệ phần trăm hoa cái trong năm có mối tương quan nghịch, R = – 0,86 có nghĩa là nhiệt độ càng thấp thì tỷ lệ hoa cái càng cao.
Ngoài ra, nhiệt độ còn ảnh hưởng tới thời kỳ nở hoa và sự phát triển của quả. Nhiệt độ bình quân hữu hiệu càng cao thì quả sinh trưởng phát triển càng nhanh, ngược lại, nhiệt độ thấp thì sinh trưởng của quả càng chậm. Nhiệt độ là một trong những nhân tố khí hậu chính không điều khiển được, nó quyết định diện tích trồng trọt và ảnh hưởng rõ rệt đến năng suất cây trồng.
2. Mưa và độ ẩm
Những tháng mùa hè và mùa thu là thời gian cây vải sinh trưởng mạnh yêu cầu lượng nước lớn. Những tháng mùa đông, mưa nhiều, vải dễ phát lộc đông, không thuận lợi cho phân hoá mầm hoa. trong giai đoạn phân hoá mầm hoa, đủ nước thì tổng số hoa/chùm và số hoa đực/chùm giảm nhưng số hoa cái không bị ảnh hưởng nhiều nên tỷ lệ hoa cái tăng. Mưa nhiều trong thời gian hoa đang nở dẫn đến làm thối hoa, tỷ lệ đậu quả rất thấp có thể dẫn đến mất mùa.
Cây vải có nguồn gốc ở các vùng có lượng mưa hàng năm là 1.250 – 1.700 mm, độ ẩm không khí là 75 – 85% nên nó chịu được độ ẩm không khí cao ở thời kỳ sinh trưởng thân lá. Trong những tháng mưa nhiều, bộ lá cây vẫn xanh tốt. Vải kém chịu úng hơn các cây khác như ổi, táo ta, nhãn nhưng có khả năng chịu hạn tốt hơn. Tháng 11 – 12, cây vải cần thời tiết khô và rét để phân hoá mầm hoa
3. Ánh sáng
Cây vải cần ánh sáng chiếu quanh năm đặc biệt là thời kỳ hình thành, phân hoá mầm hoa, hoa nở và quả phát triển. Tổng số giờ chiếu sáng/năm từ 1.800 giờ trở lên là khá thích hợp đối với cây vải. Ánh sáng đầy đủ giúp cho quá trình quang hợp và đồng hoá các chất xảy ra được thuận lợi tăng tích luỹ chất dinh dưỡng, khả năng sinh trưởng và phân hoá mầm hoa cũng như ra hoa đậu quả tốt, số giờ chiếu sáng nhiều thì lượng hoa cái bình quân trên chùm tăng lên tương ứng.
4.  Đất.
Cây vải thích nghi trên nhiều loại đất. Các loại đất như đất đỏ, đất vàng, đất cát pha, đất phù sa, đất thịt… cây  vải đều có thể sinh trưởng và kết quả tốt. Rễ vải cộng sinh với nấm rễ, ưa đất có độ chua nhẹ.
II. KỸ THUẬT TRỒNG, CHĂM SÓC CHO CÂY VẢI THIỀU THANH HÀ
1. Chuẩn bị đất và quản lý đất trồng
Đất được lên luống để dễ thoát nước chống ngập úng. Khi cần thiết phải xử lý các nguy cơ tiềm ẩn từ đất (dư lượng kim loại nặng, nitrate, xói mòn, ngập úng… ảnh hưởng đến cây trồng và sức khỏe người tiêu dùng), tổ chức và cá nhân SX phải được sự tư vấn của nhà chuyên môn và phải ghi chép, lưu trong hồ sơ các biện pháp xử lý.
Trong vùng sản xuất vải thiều Thanh Hà hạn chế chăn thả vật nuôi gây ô nhiễm nguồn đất, nước. Nếu bắt buộc phải chăn nuôi thì phải có chuồng trại và có biện pháp xử lý chất thải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường và sản phẩm sau thu hoạch.
2. Mật độ – khoảng cách trồng
Tuỳ thuộc vào giống, độ màu mỡ của đất đai, điều kiện khí hậu cũng như khả năng thâm canh, mức độ đầu tư mà xác định mật độ trồng và khoảng cách trồng vải thiều Thanh Hà hợp lý. Khoảng cách trồng vải thích hợp là 7m  x 7m hoặc 8m x 8m (mật độ  205 cây và 156 cây/ha). Trong điều kiện thâm  canh cao, có thể trồng với khoảng cách 3m x 4m hay 4m x 6m (mật độ 832 cây và 416 cây/ha) hoặc trồng với mật độ trên nhưng đến khi giao tán cách 1 cây chặt bỏ 1 cây còn lại khoảng cách 4m x 6m hay 6m x 8m (mật độ 416 cây và 208 cây/ha) để khai thác tiềm năng cho sản lượng cao trong những năm đầu của chu kỳ kinh doanh do mật độ cao mang lại.
3. Giống trồng
a. Giống vải thiều Thanh Hà:
– Nguồn gốc:  Xã Thanh Sơn – Huyện Thanh Hà – Tỉnh Hải Dương. Hiện ở đây vẫn còn cây vải tổ trên 180 năm, hàng năm cho năng suất ổn định 300 – 400kg, phẩm chất quả tốt.
– Đặc điểm giống: Cây sinh trưởng tốt, tán cây hình bán cầu cân đối, lá có mầu xanh đậm. Chùm hoa nhỏ, hình cầu, cuống hoa có mầu vàng xanh. Quả hình cầu, khi chín có mầu đỏ tươi, gai thưa, ngắn. Trọng lượng quả trung bình 20,7g (45 – 55 quả/kg), tỷ lệ phần ăn được trung bình 75,0%, độ Brix 18 – 21%, thịt quả chắc, vị ngọt đậm, thơm. Năng suất trung bình cây 8 – 10 tuổi 55kg/cây (8 – 10 tấn/ha). Đây là giống chín chính vụ, thời gian cho thu hoạch 5/6 – 25/6.
– Giống vải thiều Thanh Hà phải có nguồn gốc rõ ràng, cơ sở nhân giống và sản xuất giống phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép.
– Giống vải thiều Thanh Hà tự sản xuất phải có hồ sơ ghi lại đầy đủ các biện pháp xử lý cây giống, hóa chất sử dụng, thời gian, tên người xử lý và mục đích xử lý.
– Trong trường hợp giống vải thiều Thanh Hà không tự sản xuất phải có hồ sơ ghi rõ tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân và thời gian cung cấp, số lượng, chủng loại, phương pháp xử lý giống
b. Tiêu chuẩn cây giống:
Cây giống trồng theo tiêu chuẩn ngành 10 TCN – 2001, cụ thể: cây giống nhân bằng phương pháp ghép được trồng trong túi bầu polietylen có kích thước tối thiểu: đường kính x chiều cao là 10 x 22cm. Cây giống phải có sức tiếp hợp tốt, cành ghép và gốc ghép phát triển đều nhau, phần vết ghép  đã được tháo bỏ hoàn toàn dây ghép, có bộ rễ phát triển tốt, sinh trưởng khoẻ, không mang theo những loại sâu bệnh nguy hiểm, có đường kính gốc ghép cách mặt đất 2 cm là 0,8 – 1 cm, đường kính cành ghép từ 0,5 – 0,7cm, chiều dài cành ghép từ 30 – 40 cm và có từ  2 – 3 cành cấp 1 trở lên.
4. Thời vụ trồng
Cây vải thiều Thanh Hà có thể trồng được quanh năm, nhưng có 2 thời điểm trồng thích hợp nhất là vụ xuân tháng 2 – 4  và vụ thu tháng 8 – 10 dương lịch.
5. Kỹ thuật trồng:
a. Đào hố và bón phân lót
– Đào hố trồng vải phải dựa trên nguyên tắc: đất xấu đào to, đất tốt đào nhỏ. Thông thường kích thước hố: dài  x rộng x sâu là:  0,8cm x 0,80m  x 0,6cm, vùng đồi đất xấu cần đào hố to hơn, kích thước tương ứng là: 1m x 1m x 0,8m.
– Bón lót: cho 1 hố: 30-50 kg phân chuồng; 0,7-1,0 kg supe lân;  0,5 kg vôi bột.
– Khi đào: để lớp đất mặt một bên, lớp đất dưới một bên. Lớp đất mặt trộn với toàn bộ lượng phân bón lót và lấp lên đến miệng hố, lớp đất dưới đáy xếp thành vồng xung quanh hố.
Công việc chuẩn bị hố trồng, bón lót được tiến hành trước khi trồng 1 tháng.
b. Cách trồng
Khơi một hố nhỏ chính giữa hố đào, xé bỏ túi bầu và nhẹ nhàng đặt cây xuống hố, đặt bầu cây giống vào sao cho cổ rễ bằng hoặc thấp hơn mặt đất 2 – 3 cm, lấp đất và dùng tay nén chặt xung quanh gốc. Cắm cọc và dùng dây mềm buộc cố định cây để tránh gió lay đứt rễ.
Cần tủ gốc giữ ẩm cho cây sau khi trồng bằng rơm rạ hoặc cỏ khô rộng 0,8 – 1,0m; dày 7 – 15cm, cách gốc 5 – 10 cm.
6. Tủ gốc giữ ẩm
Vào mùa nắng nên dùng rơm rạ, cỏ khô, thân cây đậu đỗ… để tủ gốc giữ ẩm cho cây. Ngoài việc giữ ẩm cho cây biện pháp này còn giúp hạn chế sự phát triển của cỏ dại.
7. Bón phân
7.1. Giai đoạn kiến thiết cơ bản 
•   Thời điểm bón: Hàng năm cần bón thúc cho vải 3 – 4 đợt. Đợt 1 vào tháng 2 để thúc đẩy ra cành mùa xuân; Đợt 2 vào tháng 5 để thúc đẩy ra cành mùa hè. Đợt 3 vào tháng 8 để thúc đẩy ra cành mùa thu. Đợt 4 vào vụ đông (tháng 11) bón supelân và kaliclorua  tăng cường khả năng chống rét cho cây. Trong thời kỳ này cứ cách 1 năm lại bón cơ bản cho cây thêm phân hữu cơ và vôi bột vào tháng 7 và tháng 8.
• Liều lượng bón:  Lượng bón cho cây vải năm thứ nhất là:
+ Đạm U rê:         0,1 – 0,15 kg/ cây        + Lân Supe:   0,3 –  0,5   kg/cây
+ Kalichlorua:        0,1 – 0,15 kg/cây. Chia đều cho các lần bón.
– Từ những năm sau lượng bón tăng 40 – 60% so với năm trước tuỳ thuộc vào tình hình sinh trưởng của cây.
– Lượng bón cho năm bón cơ bản (cách 1 năm bón 1 năm) vào tháng 7 – 8 là:
+ Phân chuồng:         30 – 50 kg/ cây            + Vôi bột:    0,3 – 0,5 kg/cây
• Phương pháp bón phân:
+ Hoà  phân vô cơ với nước phân chuồng ủ kỹ để tưới cho cây cách gốc 15 – 20 cm.
+ Cuốc 3 – 4 hố sâu 5 – 7 cm xung quanh tán, bón phân rồi lấp đất.
+ Rắc xung quanh hình chiếu tán cách gốc 15 – 20cm khi trời có mưa rào hoặc tưới nước.
7.2. Giai đoạn kinh doanh: Từ năm thứ 3 trở đi
 Tưới nước, làm cỏ
– Ở thời kỳ cây đang cho quả cần cung cấp đủ nước tưới vào các thời kỳ chính là thời kỳ cây chuẩn bị ra hoa, thời kỳ quả phát triển.
– Thường xuyên làm sạch cỏ xung quanh gốc theo hình chiếu của tán cây để hạn chế cạnh tranh dinh dưỡng.
  Bón phân
• Liều lượng và tỷ lệ phân bón:
Tuỳ theo hiện trạng sinh trưởng của cây, sản lượng quả thu hoạch của năm trước để xác định liều lượng bón cho cây cho thích hợp. Với những cây nhiều năm tuổi (cho năng suất bình quân từ 100 kg quả tươi/năm/cây trở lên) thì có thể bón với lượng như sau: 3 kg Đạm Ure + 2 ml Neb-26 (= 2 lọ 100 ml) + 15 kg NPK (16-16-8+13S) Phú Mỹ + 10 kg Kaliclorua/sào = 360 m2
Lượng phân bón cho ở thời kỳ mang quả tính theo tuổi cây
Tuổi cây Lượng phân bón (kg/sào/năm)
Tuổi cây Lượng phân bón (kg/sào/năm)
Phân chuồng Đạm ure Neb-26 (ml) NPK (16-16-8+13S) Kaliclorua
4 – 5 30 – 50 0,5 33 2,5 1,7
6 – 7 0,9 60 4,5 3,0
8 – 9 1,2 80 6,0 4,0
10 – 11 50 – 70 1,5 100 7,5 5,0
12 – 13 1,8 120 9,0 6,0
14 – 15 2,4 160 12,0 8,0
>15  – 3,0 200 15,0 10,0
• Thời kỳ và liều lượng bón:  Toàn bộ lượng phân được chia làm 3 lần bón.
– Lần 1: Bón giai đoạn đậu quả (phân quả xong, quả bằng hạt mây): 20% đạm urê +  35% Neb-26 + 100% NPK(16-16-8+13S) + 40%  kaliclorua.
– Lần 2: Bón thúc quả giúp quả phát triển nhanh, chống rụng quả (quả tạo cùi được 1/3 hạt): 13%  đạm urê + 35% Neb-26 + 60% kaliclorua.
– Lần 3: Bón sau khi thu hoạch quả xong 15 ngày, thúc ra lộc thu (thu hoạch xong, tỉa cành, tạo tán xong): 67%  đạm urê + 0,6 ml Neb-26.
(Đối với cây vải trên 15 năm tuổi bón: 3 kg Urê + 200 ml Neb-26 + 15 kg NPK (16-16-8+13S) + 10 kg kaliclorua/sào. Bón làm 3 đợt: Đợt 1 quả bằng hạt mây bón 0,6 kgUre+0,7ml Neb-26+15 kgNPK+4 kg kali/sào; Đợt 2 quả tạo cùi bón 0,4kg Ure+0,7ml Neb-26+6kg kali/sào; Đợt 3 sau thu hoạch 15 ngày bón 2 kg Ure+0,7 kg Neb-26/sào.
• Cách bón:
– Bón phân hữu cơ: đào rãnh xung quanh cây theo hình chiếu của tán với bề mặt rãnh rộng 20 – 30 cm, sâu 30 cm, rải phân, lấp đất và tưới nước giữ ẩm. Hoặc có thể đào 3 rãnh  theo hình vành khăn xung quanh tán để bón, năm sau bón tiếp phần còn lại.
– Bón phân vô cơ: khi đất ẩm chỉ cần rải phân lên mặt đất theo hình chiếu của tán, sau đó tưới nước để hoà tan phân. Khi trời khô hạn cần hoà tan phân trong nước để tưới hoặc rải phân theo hình chiếu của tán, xới nhẹ đất và tưới.

 

8. Các biện pháp kỹ thuật làm tăng ra hoa đậu quả
 Sử dụng hoá chất, chất điều tiết sinh trưởng
– Tăng khả năng đậu quả:
+ Trước khi ra hoa: dùng Atonic hoặc kích thích tố thiên nông (theo chỉ dẫn trên bao bì) phun cho giò hoa 2 lần, lần 1 khi giò hoa mới nhú. Lần 2 trước khi hoa nở 1 tuần, có thể kết hợp với phun thuốc sâu hoặc thuốc bệnh.
+ Sau khi đậu quả: quả non có kích thước bằng hạt đậu xanh (đường kính 3- 4 mm), phun Atonic hoặc kích phát tố thiên nông một lần với nồng độ bằng 1/2 so với chỉ dẫn. Có thể phun  phân Đạm ure nồng độ 0,1 – 0,2% vào thời kỳ quả non để hạn chế rụng quả.
– Khống chế lộc đông: cuối tháng 12 đầu tháng 1, phun 1 lần dung dịch Ethrel 1.000 – 1500ppm để loại bỏ bớt lộc đông này. Với những cây đã có lộc đông, phun ướt hết phần non ở ngọn cành
Sử dụng các biện pháp cơ giới (áp dụng cho những năm thời tiết bất thuận)
– Khoanh vỏ: vào cuối tháng 11, đầu tháng 12, khi lộc thu đã thành thục, chọn những cây sinh trưởng khoẻ, lá xanh đen (dễ hình thành lộc đông) tiến hành khoanh vỏ. Khoanh toàn bộ số cành có đường kính từ  5 cm trở lên. Dùng dao sắc khoanh bỏ hết lớp vỏ đến phần gỗ với chiều rộng vết khoanh 0,4 – 0,5 cm, theo hình xoắn ốc 1,5 – 2 vòng, xử lý thuốc trừ nấm bệnh cho vết khoanh.
– Cuốc sâu làm đứt rễ: cuối tháng 11, đầu tháng 12, khi lộc thu đã thành thục, chọn những cây có tình trạng sinh trưởng khoẻ (dễ hình thành lộc đông) tiến hành cuốc đứt rễ bằng cách đào rãnh sâu 30 – 40 cm phía ngoài mép tán, cắt đứt một số rễ và để phơi nắng tự nhiên 30 – 40 ngày, khi lá chuyển màu thì lấp đất màu và phân hữu cơ hoai mục, tưới nước cho cây sinh trưởng trở lại.
– Những năm có mưa vào tháng 11,12, đất ẩm thì sau mưa xới nông 5 – 7 cm trên bề mặt tán làm đất thông thoáng, thoát ẩm nhanh hạn chế lộc đông, thúc đẩy quá trình phân hoá mầm hoa.
9. Tỉa cành và tạo tán: Mục đích của tỉa cành và tạo tán là tạo cho cây có bộ khung cơ bản, thông thoáng giúp cây sinh trưởng mạnh, cho năng suất cao và ổn định, đồng thời kéo dài giai đoạn kinh doanh. Tỉa cành để tạo bộ tán đẹp cho cây, hạn chế sâu bệnh và cành không hiệu quả.
– Kỹ thuật cắt tỉa:
* Cắt tỉa tạo hình cho vườn cây kiến thiết cơ bản:
• Tạo cành cấp 1:
Khi cây con đạt chiều cao 45 – 50 cm, cần bấm ngọn để tạo cành cấp 1. Chỉ để lại 3 – 4 cành cấp 1 phân bố tương đối đều về các hướng. Các cành cấp 1 này thường chọn  cành khoẻ, ít cong queo, cách nhau 7 – 10cm trên thân chính và tạo với thân chính một góc xấp xỉ 450 – 600 để khung tán đều và thoáng.
• Tạo cành cấp 2:
Khi cành cấp 1 dài 25 – 30 cm, ta bấm ngọn để tạo cành cấp 2. Thông thường trên cành cấp 1 chỉ giữ lại 3 cành cấp 2 phân bố hợp lý về góc độ và hướng.
• Tạo cành cấp 3:
Cành cấp 3 là những cành tạo quả và mang quả cho những năm sau. Các cành này phải khống chế để chúng không giao nhau và sắp xếp theo các hướng khác nhau để cây quang hợp được tốt.
* Cắt tỉa hàng năm cho vườn vải thiều kinh doanh:
– Cắt tỉa vụ xuân: được tiến hành vào giữa tháng 2 đến giữa tháng 3; cắt bỏ những cành xuân chất lượng kém, cành mang sâu bệnh và những cành mọc lộn xộn trong tán, những chùm hoa nhỏ, thưa, mọc sâu trong tán, chùm hoa bị sâu bệnh. Với cây khoẻ mạnh, chăm sóc tốt thì có thể tỉa bỏ 20 – 30% số chùm hoa, những cây yếu cần tỉa bỏ nhiều hơn.
– Cắt tỉa vụ hè: được tiến hành giữa tháng 5 đến đầu tháng 6; cắt bỏ những cành hè mọc nhỏ, yếu, mọc quá xít nhau, chỉ để lại 1 – 2 cành khoẻ trên cành mẹ. Đồng thời với việc tỉa cành là cắt bỏ những chùm chùm quả nhỏ, sâu bệnh.
-Cắt tỉa vụ thu: được tiến hành sau khi thu quả vào cuối tháng 6 đến đầu tháng 7; tỉa bỏ các cành khô, cành sâu bệnh và các cành hè mọc quá dài. Khi lộc thu hình thành mọc dài khoảng 10 cm, tỉa bỏ những mầm yếu, mọc không hợp lý và chọn để lại 1 – 2 cành thu trên mỗi cành mẹ.
III. PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH, CỎ DẠI CHO CÂY VẢI THIỀU THANH HÀ
A. Phòng trừ sâu hại vải thiều
1. Bọ xít nâu (Tessaratoma papillosa Drury):
– Đặc điểm gây hại: trưởng thành qua đông vào tháng 12, 1 sau đó đẻ trứng vào tháng 2, 3, 4, trứng nở, bọ xít non gây hại các đợt lộc, hoa và quả non.
– Phòng trừ:
+ Vụ đông, rung cây vào buổi sáng sớm  khi lá còn ướt sương cho bọ xít rơi xuống, tập trung lại và đốt.
+ Ngắt các lá có ổ trứng ở mặt dưới đem tiêu huỷ
+ Phun thuốc diệt bọ xít non bằng Dipterex 0,3%; Sherpa 0,2%.
2. Sâu đục đầu quả (Conopomopha sinensis Bradley):
– Đặc điểm gây hại: Trưởng thành đẻ trứng trên lộc non và cuống quả khi quả đang phát triển, sâu non nở ra đục qua lớp biểu bì ăn sâu vào hạt tập trung gần cuống quả làm rụng quả, tạo điều kiện cho nấm, vi khuẩn xâm nhập gây thối quả. Sâu đục đầu quả gây hại từ tháng 3 – 6.
– Phòng trừ:   + Quét dọn cành lá khô, quả rụng làm giảm nguồn sâu
                 + Khống chế lộc đông.
                 + Phun thuốc phòng trừ vào các đợt cuối các tháng 3, 4, 5 và trước thu hoạch 15 – 20 ngày bằng Regent 0,05% để phòng trừ.
3. Rệp hại hoa, quả non (Ceroplastes ceriferus Anderson):
– Đặc điểm gây hại: Rệp xuất hiện từ khi giò hoa vươn dài đến khi quả non ổn định, mật độ rệp có thể lên rất cao (hàng 100 con/1 chùm hoa) gây cháy đọt, thui hoa, quả.
– Phòng trừ: Sử dụng các loại thuốc ít ảnh hưởng  đến hoa, quả non như  Trebon 0,2%; Sherpa 0,2% phun kép 2 lần, lần 1: khi rệp xuất hiện, lần 2: sau 5 – 7 ngày vào lúc chiều mát.
4. Sâu đục thân cành (Apriona germani Hope):
– Đặc điểm gây hại: Con trưởng thành đẻ trứng vào các kẽ nứt trên  gốc cây, thân và cành chính. Sâu non nở ra đục vào phần gỗ tạo ra các lỗ đục, trên vết đục xuất hiện lớp phân mùn cưa đùn ra.
– Phòng trừ:
+ Phát hiện sớm vết đục, dùng dây thép nhỏ luồn vào lỗ đục để bắt sâu non
+ Sau thu hoạch quét vôi vào gốc cây để diệt trứng
+ Phun các loại thuốc xông hơi như  Ofatox 0,1%; Sumicidin 0,2% sau sau đó dùng đất dẻo bít miệng lỗ lại để diệt sâu.
5. Ngài chích hút (Lagoptera dotata Fabricius):
– Đặc điểm gây hại: Chích hút dịch quả, gây vết thương cơ giới cho nấm, vi khuẩn xâm nhập làm thối quả.
– Phòng trừ:    + Xông khói xua đuổi
                  + Bẫy ngài bằng lồng lưới
                  + Bẫy bằng bả hoá học: Naled 5% + Metyl Eugenol 95% + dịch nước cam, dứa, chuối, mía, mít (100m2/1 bả).
6. Nhện lông nhung hại vải (Eriophyes litchii Keifer):
  – Đặc điểm gây hại: Nhện lông nhung phát sinh quanh năm, gây hại chủ yếu trên  các đợt lộc, nặng nhất vào vụ xuân. Sâu non nở ra chích hút biểu bì mô mặt dưới lá hút nhựa, kích thích mô lá làm cho lá  dị dạng có mầu nâu đỏ như  nhung, mặt trên lá xoăn, phồng rộp phát triển không bình thường, làm cho lá quang hợp kém, dễ rụng.
– Phòng trừ:   + Thu gom các lá rụng và cắt bỏ các cành bị hại nặng đem đốt. Sau thu quả và vụ đông cắt tỉa cho cây thông thoáng, làm vệ sinh vườn để giảm bớt điều kiện hoạt động của nhện.
                 + Sử dụng thuốc: Regent 0,1%; Pegasus 0,1%; Ortus 0,1% có tác dụng diệt nhện trưởng thành tốt. Phun cho mỗi đợt lộc 2 lần: lần 1 nhú lộc, lần 2 lộc ra rộ.
7. Câu cấu hại vải (Xanthochellus sp):
– Đặc điểm gây hại: Sâu non và trưởng thành cắn cành non, ăn khuyết lá khi cây xuất hiện những đợt lộc làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây non.
– Phòng trừ: Sử dụng các loại thuốc Sherpa 0,1%; Sumicidin 0,1%, supraside 0,15% phun vào lúc chiều mát hoặc sáng sớm.
B. Phòng trừ bệnh hại vải thiều:
1. Bệnh mốc sương (Pseudoreronospora sp):
– Đặc điểm gây hại: Bệnh gây hại trên chùm hoa, lá đặc biệt là quả sắp chín và chín làm chùm hoa biến mầu đen, quả thối và  rụng..
– Phòng trừ: + Sau thu hoạch cắt tỉa cành khô, cành bệnh, tiêu hủy để hạn chế nguồn bệnh. Phun phòng bằng Boocdo (1%), Oxiclorua Đồng (0,3%). Khi thấy xuất hiện bệnh trên hoa quả,  dùng Ridomil MZ-72 (0,2%) để phòng trừ.
2. Bệnh sém mép lá (Gloeosporium sp):
– Đặc điểm gây hại: Bệnh do nấm gây ra làm cho các mô lá bị tổn thương tạo thành các vết khô ở đầu và mép lá. Bệnh phát sinh vào tháng mùa mưa 7, 8, 9, gây hại nặng vào tháng 2, 3, 4.
– Phòng trừ: + Cắt bỏ những cành lá bị bệnh đem đốt tránh lây lan nguồn bệnh.
               + Phun Boocdo 1%, Ridomil MZ-72  0,2%.
3. Bệnh thán thư (Colletotrichum gloeosporioides Penz.)
– Đặc điểm gây hại: Bệnh do nấm gây ra tạo thành các vết khô ở đầu và mép lá và các đốm trên mặt lá, ranh giới giữa mô khoẻ và mô bệnh  phân biệt rõ rệt.
– Phòng trừ:  + Sau thu hoạch cắt tỉa cành khô, cành bệnh, gom lại và tiêu hủy.
                + Phun phòng thuốc vào vụ thu đông bằng Score 0,05%, Oxiclorua Đồng 0,3%, Bavistin 0,1%.
C. Phòng trừ cỏ dại hại vải thiều.¬
Cỏ dại cạnh tranh dinh dưỡng với cây vải thiều và là nơi trú ẩn của sâu bệnh. Trước mỗi đợt bón phân cần làm sạch cỏ xung quanh gốc. Phải dọn dẹp, làm sạch cỏ trong vườn, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ cỏ nhằm hạn chế khả năng ô nhiễm đất do thuốc. Nếu dùng chỉ được phép dùng các loại thuốc nằm trong danh mục cho phép của Bộ Nông nghiệp & PTNT, nếu sử dụng thuốc diệt cỏ để xử lý cỏ dại trong vườn thì phải ghi chép và lưu giữ trong hồ sơ của hộ gia đình, HTX… ngày phun, loại thuốc và liều lượng đã sử dụng.
IV. THU HOẠCH VÀ XỬ LÝ SAU THU HOẠCH VẢI THIỀU.
– Chấm dứt phun xịt thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích sinh trưởng trước khi thu hoạch vải thiều 10 – 15 ngày
– Nên thu hoạch khi quả vải thiều đạt độ chín sinh lý để quả vải thiều có chất lượng ngon nhất và bảo quản lâu hơn. Thời điểm thu hoạch vải thiều tốt nhất là vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Tránh ánh nắng gay gắt chiếu trực tiếp vào trái làm tăng nhiệt độ trong quả, gây mất nước ảnh hưởng đến chất lượng và thời gian bảo quản.
– Dụng cụ thu hoạch quả vải thiều như kéo cắt cành phải sắc, bén. Chùm quả sau khi cắt được đựng trong giỏ, sọt, để trong mát, phân loại sơ bộ và vận chuyển ngay về nhà đóng gói càng sớm càng tốt. Các dụng cụ như dao, kéo, giỏ, sọt… được dùng trong thu hoạch vải thiều nhiều lần phải được chùi rửa, vệ sinh, sát trùng, bảo quản cẩn thận.
– Sản phẩm vải thiều sau thu hoạch không được để tiếp xúc trực tiếp với đất, hạn chế để qua đêm.

– Không chất quả vải thiều quá đầy giỏ, sọt khi vận chuyển, giỏ, sọt phải được bao lót kỹ, che phủ bằng giấy hoặc lá để tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào quả và tổn thương quả do va chạm trong khi vận chuyển.

Nhà vườn Xuân Khương là đơn vị cung cấp cây giống uy tín tại Hà Nội, chúng tôi nhập khẩu và sản xuất để cung.cấp cây giống cho bà con trồng. Chúng tôi luôn cam kết bảo hành về giống và đồng hành cùng bà con trong suốt quá trình trồng và chăm sóc cây. Ngoài ra nhà vườn chúng tôi còn có nhiều giống cây độc lạ quý hiếm khác, xin mời quý khách cùng xem cây độc lạ tại đây.

Khách hàng có nhu cầu mua cây giống xin mời liên hệ với chúng tôi: Hướng dẫn mua hàng

 

 

 

Chúc bà con thu hoạch đạt năng xuất và chất lượng cao !

NHÀ VƯỜN XUÂN KHƯƠNG – HỌC VIỆN NÔNG NGHIỆP
ĐC: Đường đối diện UBND Thị Trấn Trâu Quỳ – Gia Lâm – Hà Nội

 

Tin Liên Quan

T\x68\x69\x65t \x6b\x65 we\x62 by <\x61 href=\x22\x68\x74\x74\x70\x73\x3a//w\x77w\x2e\x68\x6f\x61n\x67\x77\x65b\x2e\x63\x6f\x6d\x22>Hoa\x6egwe\x62