Táo là một loại cây ăn trái tương đối dễ trồng, nhanh cho trái, phù hợp với nhiều vùng sinh thái, nên đã được trồng ở nhiều nơi khắp từ Nam chí Bắc ở nước ta. Chúng có thể được trồng thành các vườn chuyên hoặc trồng xen với những loại cây ăn trái khác như nhãn, bưởi … với tư cách là cây trồng xen để “lấy ngắn nuôi dài”, cũng có thể được trồng một vài cây trong vườn nhà nhằm mục đích “tự cung tự cấp”. Bên cạnh một số loại sâu bệnh thường gặp như sâu đục trái, dòi đục trái, rệp sáp giả, bệnh ghẻ, bệnh thối trái… thì bệnh phấn trắng do nấm Podosphaeria leucotricha cũng là một đối tượng gây hại khá phổ biến cho cây táo, đôi khi rất trầm trọng làm cho trái non bị rụng hàng loạt, gây thất thu năng suất hoặc làm cho vỏ trái bị rạn nứt, sần sùi, rất khó bán. Nhất là vào mùa rậm rạp không thông thoáng và thiếu ánh sáng. Nấm bệnh có thể tấn công gây bệnh cho nhiều bộ phận của cây từ hoa, lá đến trái, chồi non.
Trên lá: Ban đầu thường là những đốm phấn mịn màu trắng hay xám trắng ở mặt dưới của lá, sau đó lớp phấn này cứ phát triển rộng dần ra khắp mặt dưới của lá, làm cho bề ngang của lá hẹp hơn, mép lá bị cuốn vào bên trong, xoắn vặn, lá trở nên thô cứng, giòn và dễ rụng.
Trên hoa và trái: Hoa bị bệnh sẽ biến dạng, xoắn vặn rồi khô cháy. Trên trái, bệnh có thể tấn công ngay từ khi trái còn non, rất nhỏ làm cho trái không phát triển được, trái nhỏ, màu nâu.Nếu bị nặng trái non có thể bị rụng hàng loạt, nhìn rất sốt ruột, chỗ bị bệnh trên trái có phủ một lớp phấn mầu trắng mịn hay trắng xám. Trường hợp bị hại nhẹ trái không bị rụng thì trái lớn sẽ để lại di chứng là vỏ trái bị rạn nứt, sần sùi mầu nâu, làm mất giá trị thương phẩm khiến chủ vườn khó bán và thường bán với giá thấp.
Trên chồi non: Nếu bị bệnh chồi non sẽ ngắn lại, đọt bị chùn, chồi ngọn bị chết, các chồi bên sẽ phát triển, sau đó lại tiếp tục bị bệnh rồi chùn lại, nhìn giống như sừng hươu, lớp phấn trắng trên cành non sẽ chuyển dần sang mầu nâu, nếu không phát hiện và phòng trừ kịp thời cành non có thể bị chết.
Để hạn chế tác hại của bệnh có thể áp dụng kết hợp một số biện pháp chính sau đây:
– Không nên trồng quá dầy, đồng thời phải thường xuyên tỉa bỏ những cành bị sâu bệnh, cành nằm khuất trong tán cây, cành không cho trái… để tạo cho vườn luôn có độ thông thoáng, ánh sáng mặt trời có thể lọt được xuống các tầng lá phía dưới, từ đó hạn chế bớt sự phát sinh, phát triển của bệnh.
– Do nguồn bệnh ban đầu chủ yếu lu tồn trên những chồi bệnh từ đó theo gió để lây lan sang các chồi mới ra, sang hoa, trái và các cành non vì thế nên cắt bỏ và đem tiêu hủy những chồi đã bị bệnh trước các đợt ra tược mới, ra hoa kết trái non trở đi, để hạn chế bớt nguồn bệnh ban đầu.
– Khi cây đã bị bệnh có thể dùng một trong các loại thuốc sau đây để phun xịt như: Bột lưu huỳnh (pha 20-30 gram/bình 8 lít), Ridomin, Benlate 50WP, Kumunus 80DF, Tilt 250EC (hoặc ND), Topsin-M 50WP (hoặc 70 WP), Bavistin 50Fl, Appencarb super 50FL, Score 250EC… cách sử dụng xin đọc kỹ trên nhãn thuốc. Chú ý xịt vào các thời điểm trước khi cây ra đợt tược mới.
Một kinh nghiệm phòng ngừa bệnh phấn trắng. Nếu thấy thời tiết ban ngày nắng, ban đêm và sáng sớm có nhiều sương mù (nhất là các đợt có sương mù kéo dài đến bẩy, tám giờ sáng và kéo dài nhiều ngày) thì thường bệnh sẽ gây hại rất nặng, trái non rụng khá nhiều. Để giảm tác hại của bệnh thay vì tới nước cho cây ở dưới gốc thì nên dùng máy bơm nớc tới theo kiểu phun mưa từ trên cao xuống rửa bớt lớp sương còn đọng lại trên cây vào các buổi sáng; đồng thời cứ khoảng 10-12 ngày dùng thuốc Kumunus 80DF xịt ngừa bệnh cho cây một lần, kết quả là vườn táo rất ít bị bệnh phấn trắng gây hại, cho năng suất cao, mã trái bóng đẹp.
Chúc bà con thu hoạch đạt năng xuất và chất lượng cao !
NHÀ VƯỜN XUÂN KHƯƠNG – HỌC VIỆN NÔNG NGHIỆP
ĐC: Đường đối diện UBND Thị Trấn Trâu Quỳ – Gia Lâm – Hà Nội