Như các bạn đã biết, đàn hương được ví như cây “vàng xanh” nhờ giá trị kinh tế cao mà nó mang lại. Vậy ở Việt Nam có thể trồng đàn hương tại những vùng nào? Kỹ thuật trồng – chăm sóc đàn hương ra sao? Chúng ta hãy cùng nhau đi tìm hiểu.
1. Kỹ thuật trồng cây đàn hương
1.1. Chọn vùng đất
Các vùng đất thích hợp cho việc thiết lập các vùng trồng gỗ Đàn hương mới, thích hợp cho sự phát triển tâm gỗ nhanh chóng:
- Đất phẳng hoặc có độ dốc nhẹ;
- Đất có lẫn đá, sỏi bên dưới hoặc tầng dưới có nhiều đá;
- Cần trồng ở những nơi nhận được ánh sáng mặt trời tốt;
- Cần trồng ở những nơi thoát nước tốt (tức là không giữ nước trong thời gian dài);
- Cần trồng ở những nơi sạch dịch bệnh và không mắc các loại nấm;
- Cần trồng ở những nơi không có lượng mưa nhiều và có một mùa khô hàng năm.
Đàn hương trồng thích hợp ở độ cao 1.500m so với mặt nước biển trở xuống ở những vùng đồi có cây gỗ bụi phát triển, nên trồng xen cây Đàn hương vừa không tốn đất, vừa tiện chăm sóc và đàn hương vẫn phát triển tốt. Nói chung, ở những vùng trồng được chuối tiêu, đu đủ, vải, mít, xoài… đều có thể trồng được Đàn hương.
1.2. Điều kiện khí hậu và lượng mưa
- Nhiệt độ: Đàn hương là cây nhiệt đới, á nhiệt đới, phổ nhiệt độ thích hợp từ 7 – 45 độ C. Nhiệt độ thấp hơn 8 độ C cây tạm ngừng sinh trưởng, chồi ngọn chuyển sang ngủ nghỉ. Ở những nơi không có sương giá mùa đông, Đàn hương có thể tạm thời chịu được nhiệt 0 độ C, nhưng khi nhiệt độ xuống dưới 0 độ C lá bị rét hại, thời gian lạnh giá càng kéo dài rét hại càng lớn.
Vì vậy, vùng thích nghi phát triển Đàn hương là vùng có nhiệt độ tối thấp, bình quân nhiều năm không thấp hơn 0 độ C, tích ôn nhiệt độ bình quân ngày ≥10oC, đảm bảo thỏa mãn điều kiện nhiệt độ trồng Đàn hương.
- Ánh sáng mặt trời: Đàn hương là cây ưa nắng. Chính vì thế nên trồng đàn hương ở những nơi có nhiều ánh sáng mặt trời. Khi trồng xen với các cây ký chủ cũng cần chú ý cắt tỉa bớt cành để chúng không cạnh tranh ánh sáng mặt trời với đàn hương.
- Lượng mưa: Lượng mưa hàng năm phù hợp với nhu cầu của Đàn hương từ 1200 – 2.000 mm/năm. Nơi trồng đàn hương cần thoát nước tốt, có lượng mưa ít và có một mùa khô trong năm.
1.3. Khoảng cách cây gỗ đàn hương và cây chủ
Khoảng cách giữa cây gỗ Đàn hương và cây chủ là rất quan trọng để đảm bảo sự tăng trưởng tốt trong toàn bộ vòng xoay của vườn trồng.
Khoảng cách tối thiểu của cây Đàn hương là 3 m × 3 m. Với cây ký chủ dài hạn, trồng thưa nhất cũng chỉ cây đến cây là ở vị trí thứ năm trong mỗi hàng. Ta có thể chọn phương án trồng 1 cây đàn hương sau đó trồng 1 cây ký chủ hoặc 2 đến 4 cây đàn hương sau đó trồng 1 cây ký chủ. Với những cây đàn hương trồng với khoảng cách 3m, cây chủ sẽ được đặt cách nhau 15m. Nên trồng theo kiểu “nanh sấu” để mỗi cây gỗ đàn hương trong vòng 5-6 m có một cây ký chủ dài hạn (xem bên dưới).
Số cây ký chủ giai đoạn ngắn sẽ phụ thuộc vào kích thước của cây chủ dài hạn. Trong ví dụ dưới đây, đậu triều đã được trồng xen kẽ. Đây là một mô hình ví dụ:
Khoảng cách giữa 2 cây đàn hương phụ thuộc vào tán của cây ký chủ. Ví dụ khi ta trồng xen với cây cam, chanh, tán cây cam, chanh nhỏ, ta trồng 2 cây Đàn hương cách nhau 4m và trồng xen 1 cây cam, chanh vào giữa. Nhưng khi ta trồng xen với cây Bưởi, tán cây Bưởi lớn, ta trồng 2 cây Đàn hương cách nhau khoảng 6m và sau đó trồng xen một cây ký chủ vào.
1.4. Kỹ thuật đào hố và trồng cây xuống hố
- Kỹ thuật đào hố
Hố đào tối thiểu là 40 cm x 40 cm (càng rộng, càng sâu thì càng tốt). Sau khi đào hố, nếu có điều kiện ta phơi đất khoảng 10 – 15 ngày và tiến hành bón lót 5-10 kg phân chuồng hoai mục hoặc các loại phân hữu cơ khác. Có thể phủ đất lại như ban đầu và để 1 – 2 tháng (nếu chưa trồng luôn).
- Trồng cây xuống hố
Khi trồng cây Đàn hương, ta lấy xẻng đào lỗ to gấp 2 lần bầu cây và lấy kéo cắt 2 bên túi bầu cây (cũng có thể dùng kéo cắt vòng quanh dưới đáy và sau đó cắt 1 đường bên hông từ trên miệng bầu xuống), loại bỏ túi bầu cây ra và nhẹ nhàng đặt cây vào hố đào, sau đó vun đất chặt lại (nèn chặt vừa phải, không được dùng chân vì có thể dẫm lên rễ hoặc phá vỡ các rễ của cây con). Tưới nước nhẹ nhàng quanh gốc cây.
Với những nơi không có điều kiện, ta có thể đào hố, bón phân bón lót và tiến hành trồng ngay. Nên duy trì các cây họ Đậu là cây ký chủ giai đoạn bầu như Lạc dại, Kim Tiền Thảo, rau Rệu…quanh gốc cây. Sau đó trồng 1-2 cây Đậu triều cách gốc cây khoảng 50 cm.
2. Cây ký chủ
Đàn hương là cây gỗ cao 10 – 15 m, với đặc tính sinh học quan trọng nhất là có rễ cái ký sinh trên cây chủ, rễ con bám chặt vào rễ cái cây chủ bằng các giác mút, hút dinh dưỡng từ cây ký chủ để sinh trưởng và phát triển nên còn gọi đàn hương là cây gỗ bán ký sinh (Một số vi chất dinh dưỡng mà bản thân cây Đàn hương không thể tự tổng hợp được như: Sắt (Fe); Đồng (Cu); Clo (CL); Kẽm (Zn) Bo (B); Mangan (Mn)…. còn cơ bản các nguyên tố Trung và Đa lượng thì cây sẽ tự tổng hợp).
Các loài thực vật mà cây đàn hương tạo ra các giác mút để nhờ hút chất dinh dưỡng được gọi là cây ký chủ (hay cây phụ trợ). Cây đàn hương tạo ra giác mút với nhiều loài khác nhau, nhưng một số loài (đặc biệt là các loại đậu) sẽ phụ trợ cho cây Đàn hương có sức sống và sức tăng trưởng nhanh hơn.
Có ba loại cây ký chủ cho từng giai đoạn cho cây đàn hương như sau:
- Cây ký chủ cho giai đoạn ươm giống: Cấy trong bịch giống khi cây đạt từ 4 – 6 lá cho tới khi trồng ra vườn như: lạc dại, Kim tiền thảo, rau rệu.
Cây ký chủ lạc dại thường được sử dụng như là cây chủ đầu tiên cho gỗ đàn hương trong vườn ươm.
- Cây ký chủ chuyển tiếp: Cây nhỏ hoặc cây bụi lớn, thường tồn tại mấy năm (khoảng 5 – 7 năm) họ Đậu, cố định đạm được trồng gần với cây gỗ Đàn hương. Nên dùng cây đậu triều (1-2 năm) và các cây 5-7 năm cho giai đoạn này (cây trung hạn).
- Cây ký chủ lâu dài: Cây dài hạn giúp đàn hương hấp thu chất dinh dưỡng cung cấp cho toàn bộ quá trình phát triển của cây; nó được trồng với mật độ bằng hoặc ít hơn cây đàn hương và ít nhất 3m từ cây đàn hương gần nhất. Nên dùng các cây như chanh, cam, bưởi, cà phê, gỗ sưa, sáng hương, trắc, keo lá tràm, phi lao, …
Nếu triển khai trồng cây ký chủ dài hạn ngay từ đầu thì Đàn hương không cần cây trung hạn mà chỉ cần cây chuyển tiếp 1-2 năm là cây Đậu triều.
Nên trồng với những loại cây gì. Mật độ từng cây ?
Cây gỗ:
– Cây sưa: Sưa trồng mật độ 5 (4.5) m x 3.5 m, đàn hương trồng vào giữa hàng sưa cách 5m. Có thể tối ưu mật độ trồng đàn hương bằng cách trồng 2-3 cây đàn hương vào giữa 2 cây sưa. Các hàng xe kẽ nhau để đảm bảo có ít nhất 1 cây ký chủ xung quanh cây đàn hương.
– Cây dổi: Có thể trồng mật độ 4m x 4m, trồng 1 cây đàn hương vào giữa và bỏ 1 ô trống và trồng 1 cây đàn hương và giữa 4 cây dổi tiếp theo
+ Mật độ 6 m x 6 m: trồng 1 cây đàn hương vào giữa 4 cây dổi
+ Mật độ 7 m x 5 m: trồng 1 cây đàn hương vào giữa 2 cây dổi có khoảng cách 7 m
– Cây keo lá tràm: mật độ trồng 5m x 3.5 m/4 m
– Cây tràm: mật độ trồng 5m x 3.5 m/4 m
Cây ăn quả:
– Cây bưởi, mít: Có thể trồng mật độ 5m x 5m, trồng 1 cây đàn hương vào giữa
– Cây na: mật độ trồng 5m x 3.5 m/4 m
– Cây nhãn, vải: Mật độ trồng 6m x 6m, trồng xen 1 cây đàn hương và giữa 4 cây
– Cây xoài: mật độ trồng 6m x 4ml
Cây khác:
– Cà phê, tiêu (Trụ sống), chè: mật độ trồng đàn hương từ 250-280 cây/ 1 hecta
– Cây tràm: mật độ trồng 5m x 3.5 m/4 m
Không nên trồng với các loại cây gì ?
Cây keo tai tượng, cây Xoan, cây sấu.
Tại sao phải có cây ký chủ ?
Một số chất vi lượng như: Kẽm (Zn), Sắt (Fe), Bo (B), Mo (Molypden), Clo (Cl), Mangan (Mn) và nước cây không tự hút được mà phải hút từ cây khác thông qua hệ thống rễ nhỏ và giác mút. Các chất đa lượng và trung lượng cây vẫn hấp thu được trong đất
Thời điểm trồng cây đàn hương phù hợp nhất là khi nào ?
– Miền Bắc và Bắc Trung Bộ: Trồng 2 đợt từ tháng 02 đến hết tháng 04 và từ tháng 07 đến hết tháng 10 hàng năm
– Tây Nguyên và các tỉnh lân cận: Trồng từ tháng 4 đến hết tháng 10
– Các tỉnh Nam Trung Bộ: Trồng thứ tháng 9 đến hết tháng 12
Chúc bà con thu hoạch đạt năng xuất và chất lượng cao !
NHÀ VƯỜN XUÂN KHƯƠNG – HỌC VIỆN NÔNG NGHIỆP
ĐC: Đường đối diện UBND Thị Trấn Trâu Quỳ – Gia Lâm – Hà Nội